Trước đó, ngày 11/9/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án vụ án tranh chấp quyền sở hữu doanh nghiệp và
sở hữu dự án theo hợp đồng liên doanh giữa nguyên đơn là Công ty Kinh doanh Phát triển nhà (HDTC) và bị đơn là Công ty
DWS.
Ông Song, Jae Yup (trái) chúc mừng ông Đinh Trường Chinh đã giành thắng lợi trong vụ kiện tại liên doanh VK Housing
Theo nội dung vụ án, HDTC và 2 công ty Hàn Quốc là Công ty P&D Korea Co., Ltd (P&D) và Công ty Lucky Vietnam
Construction (LVC) cùng liên doanh thành lập Công ty VK Housing để thực hiện dự án khu nhà thương mại và chung cư The
Mark tại quận 7, TP.HCM.
Đến năm 2015, Công ty P&D và Công ty LVC bị tuyên bố phá sản theo quyết định của tòa án tại Hàn Quốc. Năm 2016, quản tài
viên được tòa án Hàn Quốc chỉ định đã nhân danh Công ty P&D và Công ty LVC ký các hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần
vốn góp của 2 công ty Hàn Quốc trong Công ty VK Housing cho Công ty DWS. Ngày 21/4/2016, Phòng đăng ký kinh doanh thuộc
Sở Kế hoạch và đầu tư TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (thay đổi lần 2) cho Công ty VK Housing.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp Việt Nam và điều khoản trong hợp đồng liên doanh, thì quyền ưu tiên mua lại phần vốn
góp này thuộc về thành viên của liên doanh tại VK Housing, cụ thể ở đây là HDTC. Tuy nhiên, Công ty DWS đã âm thầm mua
lại phần vốn của đối tác trong liên doanh để nhằm mục tiêu thâu tóm liên doanh, thâu tóm khu đất tại quận 7.
Không đồng ý, HDTC khởi kiện yêu cầu tòa án Việt Nam không công nhận việc chuyển nhượng vốn của Công ty P&D và Công ty
LVC cho Công ty DWS.
Căn cứ vào lời khai cũng như tài liệu thu thập được, HĐXX đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của HDTC không công nhận hợp
đồng chuyển nhượng phần vốn góp tại VK Housing từ công ty P&D và Công ty LVC cho thành viên DWS, tuyên bố hợp đồng
chuyển nhượng góp vốn đề tên P&D ký với DWS ký ngày 16/3/2016 và hợp đồng chuyển nhượng đề tên LVC ký với DWS ngày
16/3/2016 về việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của P&D và LVC tại VKHousing cho thành viên DWS là các hợp đồng vô
hiệu, không có hiệu lực thi hành.
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của HDTC về việc yêu cầu Tòa án hủy quyết định hành chính liên quan đến việc thay đổi quyền
sở hữu vốn góp tại VK Housing từ P&D và LVC qua DWS. Tuyên bố biên bản họp Hội đồng Thành viên số HDTV 29 -2016 ngày
23/03/2016, giấy xác nhận số 01/2016/GXN – VP ngày 23/04/2016, giấy xác nhận số 02/2016/GXN – VP ngày 23/04/2016 do VK
Housing xác lập là các giao dịch dân sự vô hiệu nên không có hiệu lực thi hành.
Hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (thay đổi lần 2) của Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư
TPHCM đã cấp cho VK Housing ngày 21/4/2016 và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 2162333062 ngày 29/04/2016 của Sở Kế
hoạch và đầu tư TPHCM.
Trong thời gian chưa có người kế thừa, thụ hưởng phần vốn góp của Công ty P&D và phần vốn góp của Công ty LVC tại VK
Housing, tạm giao cho HDTC có quyền thực hiện các quyền quản lý với tư cách thành viên của Công ty liên quan đến phần
vốn góp nêu trên.
Ngày 16/10/2019, ông Song, Jae Yup, Tổng giám đốc Công ty LV đích thân từ Hàn Quốc đến trụ sở HDTC tại TP.HCM để chúc
mừng ông Đinh Trường Chinh, Chủ tịch HĐQT HDTC đã đạt được thắng lợi trong vụ kiện tại VK Housing mà HDTC là nguyên đơn.
Ông Song, Jae Yup phấn khởi cho biết, kết quả phiên tòa vừa qua cho thấy tòa án Việt Nam đã rất công tâm, tôn trọng sự
thật, bảo vệ lẽ phải và đi đến cùng trong việc bóc trần những thủ đoạn hết sức tinh vi của DWS.
Ông Song, Jae Yup bức xúc cho biết, trước khi công ty ông bị tuyên bố phá sản, ông đã yêu cầu DWS mua lại cổ phần nhằm
kế thừa tư cách thành viên tại VK Housing đểthực hiện dự án. Tuy nhiên, DWS đã không nghe theo và ép LVC và P&D phá sản.
Mặc dù đã nhiều lần ông Song, Jae Yup thông báo cho các bên liên quan biết nếu phá sản thì quyền ưu tiên mua lại phần
vốn góp đó thuộc về thành viên còn lại của VK Housing, nhưng DWS đã không nghe và âm thầm thâu tóm lại hai công ty này
bằng con đường ép cho phá sản.
Cũng theo ông Song, Jae Yup, đứng sau thương vụ thâu tóm này có bóng dáng của nhóm nhà đầu tư Trung Quốc tại Công ty
Sintek Fastners Pte. Ông Song, Jae Yup cho hay, sau khi DWS ép phá sản thành công và mua lại phần vốn góp của LVC và P&D
tại liên doanh VK Housing, một thời gian sau Công ty Sintek Fastners Pte đã qua Hàn Quốc mua lại cổ phần của Công ty
DWS, đồng thời mua lại quyền đòi nợ của hai công ty P&D và LVC để dễ bề thâu tóm liên doanh, thâu tóm dự án.
Ông Song, Jae Yup khẳng định, ông chưa bao giờ ủy quyền, ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp của LVC cho DWS và DWS
đã mạo chữ ký của ông. “Nếu ở Hàn Quốc, việc giả mạo này sẽ bị truy tố trước pháp luật, sẽ bị bỏ tù”, ông Song, Jae Yup
cho biết.
Liên quan đến việc giả mạo này, ông Song, Jae Yup cho biết hiện đang thực hiện các thủ tục cần thiết để làm đơn tố cáo
Công ty DWS và nhóm người đứng phía sau đến cơ quan công an Việt Nam.
PV - Theo Đời sống Plus/GĐVN